Những người giao hàng trên ứng dụng gọi đồ ăn có thể tráo hàng để lấy tiền chênh lệch.

Chị Nguyễn Lan Uyên, một người kinh doanh tại TP.HCM đồng thời là blogger, viết trên Facebook cách đây mấy ngày phản ánh nguy cơ những người giao hàng – shipper – của các ứng dụng giao đồ ăn gian lận để lấy tiền chênh lệch. Khách đặt một món ăn nào đó, có thể xảy ra khả năng shipper đặt mua món tương tự nhưng rẻ hơn để kiếm lời.

Chị Uyên cho biết hôm 24/4, chị đặt mua cơm sườn bì chả, cơm gà, canh khổ qua ở quán ăn quen. Tuy nhiên, shipper gọi báo lại cho biết cơm gà, canh khổ qua đã hết, do đó chị Uyên chỉ gọi cơm sườn. Sau khi nhận món ăn, chị Uyên cho biết chất lượng khác hẳn, không ngon đúng như quán chị hay ăn.

Trước đó, quan sát qua ứng dụng, chị Uyên nhìn thấy người giao hàng ở lâu tại một vị trí gần quán chị đặt chứ không chính xác tại quán cần mua. Chị Uyên nghi ngờ nhân viên giao hàng đã đánh tráo món ăn để hưởng tiền chênh lệch.

Vấn đề chị Uyên nêu rất có khả năng xảy ra. Chẳng hạn với các món ăn phổ biến, các quán không có bao bì hay các yếu tố nhận diện thương hiệu thì rõ ràng khó phân biệt được món ăn mua ở quán nào. Khi đó chỉ người ăn quen ở một quán mới phân biệt được món ăn có phải từ quán đó hay không.

Khi khách đặt món ăn trên các ứng dụng hiện nay, các tài xế sẽ đến quán mua hàng như một người bình thường, sau đó giao cho khách và lấy tiền. Có thể hiểu người shipper chỉ làm nhiệm vụ đi mua hàng giúp, sau đó lấy tiền giao hàng.

Ở một ứng dụng giao thức ăn, hệ thống tích hợp với nhà hàng để khi khách đặt thì đơn hàng sẽ hiện lên ứng dụng cài đặt tại nhà hàng, do đó khả năng gian lận của tài xế khó hơn. Song chị Uyên phân tích rằng một vài quán không rành công nghệ có thể sẽ không cài đặt ứng dụng, do đó không nhận được đơn hàng.

Qua sự việc, nhiều người cảnh báo khi đặt hàng qua các ứng dụng đồ ăn khách hàng nên đặt ở các quán có nhận diện thương hiệu rõ ràng để tránh khả năng bị tráo món, nhận phải hàng kém chất lượng.